Chè lam Phủ Quảng Thanh Hóa là món ăn dân dã, nức tiếng từ lâu đời, hút hồn bao thực khách với vị ngọt thanh dịu và giòn tan. Chè lam Phủ Quảng một thời là sản vật tiến vua, mang hương vị đặc trưng rất riêng của xứ Thanh.
Chè lam, khi xưa là món quà vặt thường xuất hiện vào mỗi dịp lễ Tết của người dân miền Bắc. Đó là thời điểm cả gia đình sum họp, ăn chè lam thưởng trà và cùng trò chuyện rôm rả với nhau. Trà nóng đậm vị cùng chè lam ngọt thơm là sự kết hợp hoàn hảo để tận hưởng trọn vẹn hương vị của món quà quê này. Ngày nay, không cần chờ đến Tết, chè lam đã trở thành một món quà vặt có ở mọi nơi và đặc biệt, mỗi nơi làm chè lam tùy đều cùng cách làm nhưng lại có hương vị riêng.
Nguồn gốc chè làm Phủ Quảng xứ Thanh
Tương truyền, nghề làm chè lam xuất hiện từ thời nhà Hồ, tại huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Cái tên của món chè lam Phủ Quảng được lấy theo tên Phủ Quảng trước đây.
Chè lam Phủ Quảng là món ăn dung dị, nhưng người dân thành An Tôn đã chắt chiu những gì tinh túy nhất của quê hương để nấu thành chè lam thơm, ngon ngọt nhất tiến dâng lên nhà vua. Về sau, để tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, vào những dịp lễ Tết, con cháu trong nhà lại nấu chè lam, dâng lên ông bà tổ tiên.
Hương vị đặc trưng và nguyên liệu tinh tế của Chè lam Phủ Quảng
Chè lam Phủ Quảng được làm từ những hạt gạo trắng ngần nếp cái hoa vàng Vĩnh Lộc, kết hợp hài hòa hương vị với mật mía Kim Tân của Thạch Thành ngọt sánh, mạch nha, đường, lạc, gừng.
Chè lam Phủ Quảng Thanh Hóa có nét đặc trưng riêng so với chè lam truyền thống các vùng khác. Chè ở đây giòn giòn, chỉ cần vỗ nhẹ một cái là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ mang vị ngọt thanh dìu dịu, khi ăn cảm nhận tan ra ngay trên đầu lưỡi.
Quá trình làm chè lam tỉ mỉ và công phu
Dù là 'món ăn chơi' song để làm ra miếng chè lam đúng thơm ngon cũng khá công phu, đòi hỏi sự khéo léo, biết cách pha trộn tỷ lệ giữa các nguyên liệu.
Gạo nếp được chọn lọc kỹ càng, xay thành bột mịn, một phần nhỏ gạo nếp được đem rang chín. Lạc sau khi rang xong được giã dập, gừng tươi xắt lát nhỏ sau khi đã được đồ lên. Mật được đun sôi kỹ đến khi cô lại vừa phải thì cho hỗn hợp gồm gạo rang, bột nếp, gừng, lạc,... vào, quay nhanh và đều tay, sao cho mật, gừng và gạo nếp hòa quyện vào nhau với tỉ lệ vừa phải.
Sau khi chín, đổ hỗn hợp ra mặt phẳng sạch đã rắc lớp mỏng bột khô, cán thành khúc chè rồi cắt thành từng miếng vừa ăn. Những miếng chè lam mỏng được phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, mềm mại, thơm ngon sẽ khiến tâm hồn của bạn cảm nhận thêm phần ấm áp khi thưởng thức.
Độc đáo cách thưởng thức chè lam Phủ Quảng Thanh Hóa
Chè lam Phủ Quảng đạt chuẩn phải có màu vàng ươm đẹp mắt, ăn giòn giòn, cảm thấy được cái vị gạo nếp bùi bùi lẫn trong vị ngọt dịu của mật mía và cay nồng của gừng.
Thưởng thức chè lam không được vội vàng mà phải nhai chậm rãi, uống với chè xanh hoặc chè tàu. Người thưởng thức, nhấp một ngụm trà nóng, cắn một miếng chè lam, cảm nhận vị hơi chan chát của trà hòa quyện với vị ngọt sắc của chè lam lưu trên đầu lưỡi, khiến ai cũng phải đắm say.
Thanh Hóa có nhiều cảnh vật đẹp, nhiều đặc sản ngon có tiếng. Ngoài chè lam, đến xứ Thanh, du khách đừng bỏ lỡ những món ngon 'quên lối về' như nem chua Thanh Hóa, nem nướng Thanh Hóa, bánh răng bừa, bánh gai Tứ Trụ…
Chè lam Phủ Quảng trải qua thời gian luôn là thứ quà quê hấp dẫn mà bất cứ ai đã thưởng thức đều không thể nào quên. Khi nâng chén trà phảng phất khói mờ, thưởng thức mòn chè lam cay nồng vị gừng, thơm ngọt của mật mía, mạch nha, gạo nếp, cảm nhận thấy lòng thêm ấm áp, bình yên đến lạ. Nếu du lịch Thanh Hóa, bạn đừng bỏ qua món đặc sản xứ Thanh trứ danh này nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét