Thanh Hóa nổi tiếng với nhiều món ăn ngon và độc lạ, trong đó bánh lá răng bừa được rất nhiều người yêu thích. Chỉ với những nguyên liệu dân dã, cách chế biến đơn giản nhưng món ăn đặc sản này vẫn làm say lòng bao thực khách bởi hương vị thơm ngon hấp dẫn.
Nguồn gốc và lịch sử ra đời của bánh lá răng bừa Thanh Hóa
Bánh lá răng bừa là một trong những đặc sản Thanh Hóa gắn liền với điền tích có thật trong lịch sử nước Việt. Tương truyền rằng, xưa kia hoàng đế Lê Đại Hành là người đích thân khởi xướng tục cày ruộng tịch điền, tạo khí thế yêu lao động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Chính từ lễ hội này, bà con xứ Thanh đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất làm nên những chiếc bánh gần gũi, giản dị, gắn với hình tượng và thành quả lao động của người nông dân vùng nông nghiệp lúa nước để dâng vua.
Tên gọi bánh là răng bừa hay bánh răng bừa cũng ra đời từ đấy. Tên bánh gợi nhớ đến chiếc răng của cái bừa - một vật dụng không thể thiếu trong lao động sản xuất nông nghiệp của người nông dân xưa. Dù là một món ăn dân dã nhưng bánh răng bừa là sản vật dùng để tiến vua ở vùng đất cổ Lam Kinh của xứ Thanh.
Hương vị đặc trưng và nguyên liệu tinh tế
Nguyên liệu làm bánh lá răng bừa Thanh Hóa bao gồm gạo tẻ dẻo, ngon, thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai, hành khô, mộc nhĩ, lá dong. Gia vị bột ngọt dầu ăn, tiêu bắc, muối, nước mắm ngon,…
Khi chín, vị thơm bùi từ hạt gạo tẻ, tươi ngon của thịt và mộc nhĩ, hành mỡ, hạt tiêu hòa nguyện với nước chấm là nước mắm cốt chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn.
Phương thức làm bánh là răng bừa đặc biệt
Để làm nên những chiếc bánh răng bừa thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Từ chuẩn bị nguyên liệu, cho đến làm bột và nhân bánh đều cần có kỹ thuật và định lượng chuẩn xác mới có thể cho ra những chiếc bánh dẻo dai, thơm ngon.
Gạo để làm bánh răng bừa phải là gạo tẻ, dẻo và ngon nhất. Gạo sẽ được ngâm trong nước lạnh khoảng 2 đến 3 tiếng trước khi đem xay thành bột nước với tỷ lệ gạo nước nhất định. Sau đó, bột được đặt lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Khi nồi bột có độ sền sệt lại thì bắc ra ngoài cho nguội để bắt đầu gói bánh.
Bánh thường được gói bằng là dong hoặc lá chuối tươi đã phơi qua nắng hoặc hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi bị rách. Nhân bánh gồm hành khô, thịt ba chỉ hoặc thịt vai được băm hoặc xay nhỏ, trộn đều với mộc nhỉ, tiêu, mắm muối. Để cho ra chiếc bánh đẹp, thuôn dài, dẹp hai đầu và hơi phình ra ở giữa, không bị vỡ hay lòi ra khi nấu chín, thì mỗi người thợ phải khéo léo gói sao cho vừa kín và tròn bánh.
Thưởng thức bánh lá răng bừa ngon chuẩn vị xứ Thanh
Bánh gói xong, công đoạn cuối cùng là cho bánh lên nồi rồi đổ nước đun sôi để luộc hoặc đồ hơi. Khi mùi thơm của nhân bánh hòa cùng mùi bột bánh, tỏa ra hương thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ cũng là lúc báo hiệu bánh chín.
Bánh răng bừa ăn ngon miệng nhất là khi đang còn nóng, bánh nóng sẽ dậy mùi thơm của hành mỡ, mềm ngon, vừa miệng và nước chấm không thể thiếu là nước mắm cốt.
Bánh lá răng bừa Thanh Hóa trước đây chỉ xuất hiện vào các ngày lễ lớn trong năm như ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán… nhưng hiện nay, món bánh truyền thống này được người dân chế biến để phục vụ cuộc sống hàng ngày và khách du lịch. Bạn có thể dễ dàng tìm mua đặc sản bánh lá răng bừa tại một số chợ truyền thống cũng như các địa điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa và ngay cả những gánh hàng rong hay quán ăn vỉa hè cũng đều bán món đặc sản xứ Thanh nổi tiếng này.
Đến với Thanh Hóa, ngoài món bánh lá răng bừa thì bạn còn có thể dễ dàng thưởng thức thêm nhiều đặc sản hấp dẫn khác như nem chua, nem nướng, bánh gai, bánh khoái, mắm tôm,…
Bánh lá răng bừa Thanh Hóa là một trong những đặc sản mà bất kỳ ai cũng không nên bỏ qua khi đến với vùng đất xứ Thanh thân thương này. Từ những sản phẩm nông nghiệp như gạo, thịt lợn, bà con Nhân dân xứ Thanh đã biết chế biến thành món bánh lá trứ danh. Ai đã một lần được thưởng thức món bánh lá răng bừa đều không thể không nhớ.
Nhận xét
Đăng nhận xét